ĐỜI SỐNG BÊN KIA CỬA TỬ

Đời Sống Bên Kia

 

 

Trong loạt bài  “ Cửa Vào Đời Sống Mới “ chúng ta có giải thích về cái chết và những chuẩn bị nên làm cho sự ra đi. Để sự hiểu biết được trọn vẹn, chúng ta sẽ theo dõi đời sống bên kia của ba linh hồn vừa rời cõi trần. Ông Geoffrey Hodson dùng thông nhãn (clairvoyance) quan sát hoạt động của ba người này, chuyện đáng chú ý là sự mô tả dưới đây có được, hoặc do sự quan sát trực tiếp trong lúc ông thức tỉnh hoàn toàn (mà không mê man như một số đồng bóng), hoặc do sự tiếp xúc giữa ông với người đã khuất mà không qua một trung gian, và do đó cũng khác biệt với thuật đồng cốt vì chính xác hơn.

Trường hợp I:

Đây là một linh hồn trẻ về mặt tâm linh, nhiều kiếp trước em được sinh ra ở vùng núi đồi hoang dã, điều ấy làm em nẩy nở tình yêu thiên nhiên nhưng đồng thời cũng phát triển mạnh mẽ những bản năng và giác quan của loài vật. Kết quả là phần trí cụ thể mở mang dưới mức bình thường, gần như không được trau luyện. Tình cảm cũng phát triển như là những đam mê của thú tính mà linh hồn chưa quen điều khiển, tuy vậy vẫn có nét khả ái và thanh cao do cố gắng của linh hồn, nhằm chữa phần nào sự lệch lạc trên. Trong kiếp này, em đau một thời gian rồi qua đời năm 12 tuổi. Vài năm trước linh hồn ý thức rằng sự đau ốm của thể xác do nhân quả xưa, sẽ khiến sự biểu lộ của linh hồn qua xác thân càng lúc càng khó khăn hơn, cũng như không thể tăng trưởng.  Vì tình cảm không đặt giới hạn vào bệnh tật, linh hồn bèn đặt trọng tâm vào sự phát triển của tình cảm hơn là cõi trần. Tâm thức ở cõi trung giới rất sống động lúc ngủ và trong những tuần lễ cuối trước khi mất, linh hồn chuyển dần tâm thức từ cõi trần sang cõi tình cảm. Khi cái chết xảy ra, gần như em không bị rúng động chút nào, không chút ý thức là có sự đổi thay. Em ngủ một giấc ngắn khi sợi dây sống đứt lìa rồi tiếp tục sinh họạt bằng thể vía như em vẫn thường làm trong giấc ngủ lúc còn sống. Do khuynh hướng của mình em lưu lạị ở vùng ta gọi là thiên đàng, chung quanh là sự đẹp đẽ của núi non thung lũng với hoa dại đủ màu.

Tâm thức của em thay đổi đáng kể. Có lúc em buồn rầu chán nản, mong được gần gũi người thân. Em thấy gia đình và cảnh nhà rõ ràng nhưng không thể làm mọi người biết em đang ở cạnh họ, dù cố gắng nhiều lần. Chuyện không may là một hôm khi về nhà, em thấy mẹ đau đớn khóc than do sự chia cách. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ khiến em u sầu mấy ngày. Tuy vậy cảnh sống mới của em rực rỡ và đầy vui thú, so với nỗi đau khổ do chia lìa và do bệnh tật lúc còn sống. Em hân hoan thưởng ngoạn thiên nhiên, sự trong sáng của đất trời và sự tự do nhẩy nhót khác hẳn với xác thân trói buộc.

Ở miền đất hạnh phúc đó, thỉnh thoảng ba mẹ tới chơi với em trong lúc họ ngủ, nhưng họ mặc toàn quần áo đen, biểu tượng cho thấy còn sầu não và chưa hiểu biết, rằng cái chết thực ra là cửa vào đời sống mới, vào một cảnh đời cao hơn và tốt đẹp hơn, và phải mất một thời gian dài ba mẹ mới hết thương tâm. Cùng với ba mẹ, anh chị em trong nhà cũng có mặt nhưng họ vui vẻ hơn, và do đó dễ dàng bước vào cảnh sống mới của em. Xét về một khía cạnh, đời vừa rồi của em có lắm đau khổ, y như một cơn ác mộng. Ngoài bệnh tật hành hạ xác thân, bản tính em yêu thiên nhiên, hoa cỏ, chim cá mà lạị sống trong khu xóm chật chội, thế nên cảm giác được giải thoát khi từ bỏ xác thân thật lớn lao, và bởi nhân quả được trang trải, cuộc đời mới của em sẽ có nhiều tiến bộ.

Xem ra em không nhớ chút gì về bệnh tật vừa rồi, tuy thỉnh thoảng còn thói quen thấy nặng đầu và mệt óc. Điều ấy hoàn toàn là ảo giác và sẽ dần dần mất hẳn khi ký ức phai mờ, thể tình cảm cũng từ từ mất đi dấu vết bệnh tật, mà thay thế bằng vật chất lành lặn. Nói chung đời sống lúc này của em thật vui vẻ hạnh phúc, em có bạn nô đùa mà một số đã quen trước đó trong lúc ngủ, bởi vậy em không thấy cô đơn chút nào. Khi ba mẹ bớt phiền não và nhận thức được sự giải thoát đáng mừng cùng sự sống đẹp đẽ hiện tại của em, họ sẽ có thể tới gần em hơn và do đó hỗ trợ và giúp ích nhiều điều cho em trong đời sống mới, những điều mà chỉ bậc cha mẹ mới làm được. Khi chuyện được như vậy, trọn gia đình sẽ đoàn tụ, chỉ khác biệt là cả nhà quây quần ban đêm khi ngủ thay vì ban ngày.

Chuyện đáng lưu ý là trong vùng em ở có nhiều tinh linh và thiên thần, em thấy và trò chuyện với chúng, rồi lại kết bạn với một số dân cư của thế giới thần tiên. Lời cầu nguyện thiết tha của ba mẹ cũng bao trùm em bằng những hình tư tưởng xinh đẹp, tựa như thiên thần trong tranh vẽ. Một đôi khi thiên thần hạng cao nhập vào hình tư tưởng đó, khiến nó linh động hơn, làm cho lời cầu nguyện mạnh thêm bội phần.

Dù có nhiều bạn chung quanh, em dành phần lớn thì giờ thơ thẩn một mình, hay đi dọc theo bờ suối, hái hoa, ngửi nó, nhìn thật kỹ để khám phá sự tạo hình của hoa; em dùng bản tính ưa thiên nhiên của mình để tìm hiểu cơ chế làm hoa tăng trưởng. Có lúc em nằm trong đồng nắng dọi, cỏ lấm tấm sương, hát khẽ và ngắm mây trắng lướt trên trời xanh. Những phút ấy trong khung cảnh hoang dã thân thuộc em có được hạnh phúc tuyệt vời, và khi ngày tháng trôi, sự đau đớn do phân ly gây ra mất đi, hạnh phúc ấy sẽ thành chuyện thường nhật đối với em trong nhiều năm. Sau đó, bởi linh hồn phát triển về một số mặt, có hy vọng cho thấy khi tái sinh trong tương lai gần, em sẽ gặp được nhiều hoàn cảnh thuận lợi hơn kiếp vừa rồi.

Trường hợp II.

Mục sư là người học rộng, thiên về chuyện tinh thần, chết trẻ do bệnh lao. Ông tả: Phải mất hai ngày tôi mới biết chuyện gì xảy ra. Việc đầu tiên tôi biết là có ánh sáng rực rỡ tràn đầy, như bất chợt tỉnh giấc trong ánh sáng chói lọi khác thường của mặt trời, nhưng ngay cả lúc ấy tôi vẫn chưa rõ việc gì đã trải qua. Một số người lạ đứng chung quanh và khung cảnh cũng lạ lùng. Sau một lúc ngắn họ cho tôi hay sự thật rồi khi ý thức rõ ràng, tôi thất vọng hết sức, bởi đã mong thực hiện nhiều điều nơi cõi trần. Nhưng bây giờ cảm nghĩ ấy mất rồi, vì tôi vẫn là mục sư chăm sóc địa phận lớn hơn khi trước, giáo dân cũng đông hơn số tôi ao ước, và một cơ hội phụng sự lối mới cũng mở ra. Tôi đang chuẩn bị một việc làm vĩ đại hơn nữa, đầy hứa hẹn to tát.

Sự khác biệt giữa hai cảnh đời không nhiều như tôi đã tưởng. Thật ra nếu không kể việc mất xác thân thì khung cảnh không xa lạ. Chuyện thay đổi đáng chú ý nhất là trí tuệ, nó cảm nhận mạnh mẽ sự tự do rộng rãi và khả năng hoạt động, cái quyền năng thực hiện được tư tưởng và lý tưởng, sự hiểu biết mênh mông về đủ ngành có sẵn chỗ này. Điều gì học trên trái đất một tuần mới xong thì ở đây chỉ mất một giờ. Sự tham thiền và cầu nguyện trở nên việc rất khoa học và cho ra kết quả thấy liền.

Bạn cũ nhận ra ngay mà không sao lầm được. Thường thường người đầu tiên mình gặp là thân nhân đã mất trước kia; họ biết ngày giờ chúng ta rời bỏ cõi trần nên chờ sẵn, để đón tiếp và chào mừng kẻ mới qua. Nỗi vui mừng trong những lúc gặp gỡ đó thật lớn lao, có mục đích làm cái trí quên sự đau đớn bị chia lìa. Thường thường kế đó chúng ta được dẫn tới một nơi yên tĩnh để tập thích ứng với hoàn cảnh mới. Sau khi tỉnh dậy, chừng 14 tiếng từ lúc tôi rời bỏ xác thân mà không biết, tôi gặp vài người trong đó có ba tôi. Những người chào mừng kẻ mới tới không bắt buộc phải là người đã khuất, bởi rất thường khi họ vẫn còn sống ở cõi trần. Nhiều người vẫn còn xác thân đang theo học trường mà hiện giờ tôi đang làm việc với, họ tới gặp chúng tôi trong lúc ngủ để được chỉ dẫn về những việc họ sẽ làm trên địa cầu. Nói riêng về tôi, tôi làm việc với người sống nhiều hơn là với người chết, dù vài nhóm gồm toàn người đã qua đời. Công việc này thật to tát nhưng người có kinh nghiệm thì không đông.

Chúng tôi dạy ở trường bằng cách thuyết trình, chứng minh và tạo hình tư tưởng. Rất thường khi các bạn đến thăm nơi chúng tôi đang học ,với mục đích là cho phép họ nắm ý tưởng rằng lịch sử chuyện đã qua cũng như những biến cố hiện tại, là thành phần của một khối chung, và tất cả những biến cố của giống dân xưa đóng một vai trò trong việc sinh ra những điều kiện bây giờ, có nghĩa tình trạng hiện thời chỉ hiểu được khi ta nhìn theo khía cạnh ấy. Khuynh hướng của người sống là học hỏi quá khứ và tiến trình của những nước khác một cách thờ ơ, rời rạc; trong khi muốn thấu đáo phải xem mọi việc như là một khối. Thành ra ý tưởng về tính duy nhất của sự sống được áp dụng vào luật chu kỳ, làm cho những vấn đề của hôm nay được nhận ra như là sự tái lại của quá khứ trên một mức cao hơn, và được giải quyết theo lối nhìn đó. Lúc này hai môn học chính của tôi là sử và xã hội học, trên thực tế chúng bao trùm mọi ngành học trước của tôi, và được nghiên cứu bằng phương pháp rộng hơn, trọn vẹn hơn là cách thông thường trên địa cầu. Ở đây tôi giảng bài, chứng nghiệm, tổ chức học nhóm cùng huấn luyện người.

Bản chất và phương pháp các môn học của chúng tôi rất khác biệt so với người còn sống. Lấy thí dụ khi học về thảo mộc, chúng tôi có thể quan sát tiến trình của thiên nhiên, ngắm sinh lực dâng lên từ rễ hay hột và theo dõi sinh họạt của cây trong suốt đời nó, chiêm nghiệm sự thành hình của tế bào và mô.

Nhận ra người quen chỗ này không tùy thuộc vào việc đã quen mặt người đó khi xưa. Có một cách cho phép con người nhận ra bạn tức thì, bất kể hình dạng đã thay đổi ra sao. Ấy là sự nhận biết giữa hai linh hồn với nhau mà không diễn tả phương cách được. Tôi gặp hết những bạn bè cũ đã mất và thỉnh thoảng họp mặt, nhưng càng lúc tôi càng mê say việc làm gần như không có giờ rảnh. Khi đắm chìm vào công tác, tôi thấy mình tràn ngập một niềm vui rộn ràng và thật bén nhậy chuyện tâm linh, làm như phần thiêng liệng thấm khắp cả người. Đây là trạng thái mà ít khi tôi có được lúc còn sống.

Tôi ở gần những người thân còn sống nhiều nhất vào lúc tham thiền hay cầu nguyện. Bạn có thể tin chắc là ai còn sống mà khoe khoang đã gặp tôi hay tiếp xúc với tôi đều nói bậy. Cảnh sống chúng tôi đang ở khác xa chuyện đồng cốt, hiện hình chọc phá, ngay cả việc nghiên cứu phần vật chất cũng được tinh thần hóa cao độ, và động cơ học hỏi được tinh lọc hoàn toàn, không còn ý trục lợi nào. Như thế bạn có thể tưởng tượng phần nào bầu không khí lý tưởng tuyệt vời nơi đây.

Nơi học tập không phải là trường đại học hay cao đẳng, nó là một thái độ, một tâm thức hơn là một tòa nhà, tuy ai học ở đây cũng cảm thấy mình tách biệt với sự lôi cuốn bên ngoài, như đang ngồi trong lớp trên mặt đất. Lẽ tự nhiên chỗ học có nơi chốn rõ ràng để sinh viên tụ lại học hỏi. Luật chung là cái trí càng xa những chuyện nặng nề, vật chất bao nhiêu, người ta càng vượt khỏi ảnh hưởng của địa cầu bấy nhiêu. Ai tệ nhất sống ngay trên mặt đất và dưới đó một chút, người trung bình sống cách mặt đất một khoảng, không tiếp xúc trực tiếp với những chuyện trên địa cầu.

Chúng tôi làm việc và sống trong bầu không khí tinh sạch ở mức độ cao hơn nữa, thành ra không bị xáo trộn bởi rung động thô lậu, bất hòa của thế giới vật chất bởi sự quay cuồng tranh sống. Đó là cái khó khăn lớn nhất mà bởi thoát khỏi, chúng tôi có thể theo đuổi được việc nghiên cứu trong sự bình an mà người trần không sao có được.

Trường hợp III.

Người trong chuyện sau là tín đồ phái Quaker, chết vì bệnh tim. Ông học hỏi nhiều về Minh Triết Thiêng Liêng và giàu lòng phụng sự. Vài tuần sau khi qua đời, ông kể:  “Mấy ngày trước khi bỏ xác rồi từ lúc chết, tôi được bao phủ trong một vầng sáng rộng lớn, giống như vầng mây rực lửa, nó ngăn không cho tôi có cảm xúc về thân thể ngay trước và trong lúc qua đời, rồi khiến tôi sống trong trạng thái ngất ngây vui sướng luôn ba ngày sau. Vợ con tôi gặp tôi trong đám mây ấy mỗi tối lúc họ ngủ và chúng tôi hưởng sự hoan lạc không sao quên được.

Chân Sư cũng có mặt, ngài chói sáng rực rỡ còn hơn nữa, ngài trợ lực và nâng đỡ tôi. Bây giờ từ trong ra ngoài tôi vẫn còn bừng sáng nhờ ngọn lửa thiêng mà tôi đã thấm nhuần, có vẻ như nó rọi tít mãi lên cao và xuyên thấu dưới đất. Tôi đi thì nó cũng đi theo, tôi không thấy được chuyện bên ngoài nhưng thấy được nhiều người bên trong vầng sáng. Đời sống ở đây thật hoan lạc, vui sướng không tả được.

Lúc này tôi vẫn chưa yên chỗ, phải từ từ làm quen với mọi việc kỳ diệu nơi đây và với chuyện tôi đã bỏ cõi trần không chút đau đớn sợ hãi. Người tôi tràn đầy sự sống, làm như một ngưồn cung cấp chảy xuyên qua tôi không bao giờ cạn. So với nó cõi trần thật đỗi nghèo nàn làm tôi mong ai cũng được lên chỗ tôi đang ở. Từ chỗ này thấy rõ là phần số ai ai cũng được hướng dẫn, mọi lo âu của chúng ta không cần thiết chút nào. Với người tốt lành, mọi chuyện sẽ trở nên thuận thảo nếu họ làm trọn bổn phận mình giao phó tương lai cho Thượng Đế. Bạn không thấy Thượng Đế ở đây, nhưng biết rằng ngài không ngừng làm việc. Bạn chỉ thấy và cảm được hậu quả, và hiểu được nguyên nhân.

Chỗ nào cũng có ảnh hưởng của các Chân sư. Bạn nhận ra sự hiện diện của các ngài đằng sau những phong trào lành đẹp, điều động chúng mà không lộ dịện. Có nhiều Chân Sư ở đây hơn cõi trần, tôi đã vào một nhóm có hơn một vị Chân sư. Nhờ bạn nói với bà nhà tôi là đấng mà hai chúng tôi sùng kính là đấng mà tôi với bà cùng học chung.

Tôi thấy mình thanh thoát quá tới nỗi ảnh hưởng của trái đất, khi có tiếp xúc với bạn làm tôi chịu không được. Không ai ở cõi trần biết sự sống là gì, điều ấy không thể biết được bao lâu ta còn xác thân; tôi có cảm giác là mình như cái bong bóng luôn nổi trên mặt, và chỉ bị giữ lại trong nước do ý chí mà thôi. Nhà tôi ban đêm cũng (trồi) lên mặt nước còn chân nhân  của bà vẫn hằng ở đây. Rốt cuộc chúng tôi lại có nhau, chân nhân tôi và chân nhân vợ tôi tiếp tục ở bên nhau.

Chẳng bao lâu các con tôi sẽ được chứng kiến việc đức Di Lặc (đức Chúa) trở lại. Nơi đây đang chuẩn bị việc ấy, giống như thành phố to lớn được tắm rửa dọn dẹp chờ vua tới. Vẻ mỹ lệ, mầu nhiệm của các Chân sư và của đức Di Lặc vượt xa óc tưởng tượng của bạn, còn sự bình an của các ngài đi quá tri thức chúng ta. Hết thảy Chân Sư cùng họp thành một khối duy nhất sửa soạn việc ngài xuống trần, chuyện này sẽ là một biến cố lớn lao hơn hết so với những gì đã xảy ra. Ngài sẽ mang lại thiên đàng và một cảnh sống mới cho biết bao người.

Một trong những chuyện tôi thấy lạ lùng nhất là thế giới thần tiên ở đây. Chúng đông như sao trên trời, trò chuyện với nhau bằng màu sắc của hào quang. Sự hiện diện của một đại thiên thần khiến mọị vật mờ hẳn, làm như ngài chẹ rợp một góc trời.”

Một tháng sau ông trở lại nữa và ta có dịp nói chuyện thêm. Trong lần đầu ông còn chịu ảnh hưởng của sự ngất ngây hạnh phúc khi rời bỏ xác thân, người tràn đầy năng lực tinh thần, thanh thoát tới mức sắc diện biến đổi khác thường. Lần này ông kềm chế được nội lực làm cho vẻ nhẹ nhàng, sự trầm tĩnh vốn là đặc tính của ông nơi cõi trần giờ được biểu lộ rõ ràng.

Chúng tôi biết ông đến khi căn phòng có sự rung động êm dịu rồi một tình thân ái lặng lẽ tỏa khắp phòng giống như ông rút bên trong mình, hoàn toàn thoát khỏi giới hạn của cõi trần và những cảnh giới thấp của cõi bên kia. Hình dạng ông giống như lúc còn sống, quần áo cũng là một màu xanh đậm, gương mặt sáng rực rỡ đầy hạnh phúc thư thái, không chút lo âu và có lẫn sự xác quyết vượt hẳn giới hạn của xác thân, ngay cả lúc ông sung sướng nhất ở cõi trần cũng không được vậy. Ông còn trở lại cõi trần chỉ là để thăm vợ con mà sự tiếp xúc ấy không sâu, mối liên kết thực sự xẩy ra ở cõi tâm thức nơi chân nhân ngụ thay vì là sự biểu lộ tình cảm. Người ta cảm được sự hiện diện của ông nhờ trí tuệ, thay vì tình cảm do áp lực thần bí. Điều này sẽ càng lúc càng mạnh bởi xem ra ông đang muốn vào nội tâm sâu hơn nữa. Ông bảo: 

“ Gần như đêm nào tôi cũng về chơi với các con, nhưng không phải mỗi đêm. Vợ tôi thường tới gặp tuy không phải lúc nào cũng có mặt, vì bà có nhiều chuyện phải làm. Ở chỗ này bà có hình dạng khác hẳn, tới nỗi khó thể nhận ra chính mình. Thân xác biến đổi con người nhiều hơn tôi tưởng, bộ óc do di truyền làm thay cá tính, tạo hầu hết những giới hạn trong người. Bà nhà tôi làm phần lớn công việc vào ban đêm, bà thuộc về một trong các nhóm tham thiền và học hỏi ở cõi này, người trong nhóm họp mặt trước khi bắt đầu công tác mỗi đêm và lúc ấy tụi nhỏ họp lại gần đó chơi giỡn với nhau….

….Khi qua đời không phải chỉ có thân xác biến đổi, mà cái trí thay đổi nhiều hơn nữa, giống như được phóng thích khỏi nhà tù. Người ta dễ dàng ý thức hai ba chỗ cùng một lúc, và cũng không cần phải di chuyển nhiều nếu ở chỗ của tôi,

Tư tưởng của Chân sư tựa như luồng sáng rộng, bên trong luồng sáng ấy những người phụng sự làm việc, nhìn công chuyện theo quan điểm của ngài và thi hành ý muốn của Chân Sư. Dù bị nhiều giới hạn bên ngoài, họ tăng trưởng về nhiều mặt bên trong, bao lâu chúng ta hòa ý riêng vào ý của ngài thì chúng ta nằm trong ánh sáng ấy, còn khi nghĩ tới mình thì làm như chúng ta bước ra ngoài luồng sáng. Tuy tư tưởng ngài rải trên một chu vi khổng lồ, sự chú tâm của ngài vào mỗi phần trong đó thật sống động và mạnh mẽ vượt hẳn khả năng con người, và chuyện ấy giải thích phần nào quyền năng kỳ lạ của các Chân Sư. Sự sống động của tâm thức là một đặc điểm nổi bật nơi các ngài, những ai làm việc cho các Chân Sư cũng chia sẻ phần nào đặc điểm ấy.

Hồi trước tôi không rõ là tâm thức ngài hướng đến chúng ta sâu như thế nào, giờ bạn hãy tin tôi đi, các ngài biết hết sức tường tận mỗi ai trong chúng ta muốn phụng sự ngài. Các Chân Sư lo lắng cho chúng ta dù còn sống hay qua đời, với một tình vừa của cha vừa của mẹ vượt khỏi tầm tri thức của ta. Tôi đã luôn luôn nghĩ mình được dìu dắt, nhưng bây giờ tôi biết rõ mình được chăm sóc nhiều hơn đã tưởng, thành ra ai yêu thương các ngài không phải lo sợ chút gì về đời mình trong lúc sống, Chân Sư biết hết những ai phụng sự ngài dù con số lên tới mấy ngàn trải qua bao thế kỷ. Một trong các ngài có trường ở cõi bên này được ngài và các đệ tử dạy dỗ, nhiều người học ở đây và nó giúp họ có hứng khởi trong ngành của họ.

Hoan Lạc cũng như Từ Ái là nét chính của mọi sự sống. Ái lực giữa các linh hồn mạnh tới nỗi tôi nghĩ ở đâu đó trên cao phải là sự duy nhất của mọi linh hồn. Một số linh hồn gần nhau tới mức như thể chúng phát sinh từ đơn vị tinh thần chung. “

Nhận xét:

Dựa vào những quan sát trên chúng ta có thể đi tới một số ý kiến sau:

1. Đặc tính của cõi thiên đàng (hay Tây phương cực lạc còn gọi là Devachan) là sự hoan lạc và hòa đồng. Linh hồn ngơi nghỉ nơi đây giữa hai kiếp sống, và sự hoan lạc là kết quả của những tình cảm thanh bai, ý tưởng đẹp đẽ được nuôi dưỡng trong lúc sống. Nói khác đi, tình cảm thấp hèn hay tư tưởng cùng loại không biểu lộ được nơi đây, cõi thiên đàng vì vậy không có với người nặng về mặt vật chất nhục dục; khi qua đời sự thu hút ở cõi trần quá mạnh nên sau một thời gian ngắn ngủi ở thế giới bên kia, người như thế quay lại cõi trần đầu thai kiếp mới.
Đi sâu hơn nữa, vì thiên đàng là phần thưởng cho hành vi, tư tưởng, tình cảm lúc sống, khoảng thời gian trên thiên đàng không vĩnh cửu và có giới hạn, khi lực sinh ra những sự tốt lành được dùng trọn, tình trạng hoan lạc chấm dứt và con người tái sinh. Nơi cõi thiên đàng, tùy theo những điều thâu lượm được trong lúc sống mà con người biến đổi kinh nghiệm sang tài năng. Với em nhỏ trong trường hợp I, đó là sự say mê nghiên cứu thiên nhiên, với mục sự (trong II), ông đào sâu về ngành học của mình. Nhìn được như thế, chúng ta sẽ không thấy lạ lùng nếu em nhỏ trong kiếp tương lai tỏ ra một năng khiếu đặc biệt về vạn vật học, hay mục sư thành một sử gia uyên thâm.
Về sự hòa đồng, vì cõi thiên đàng có mục đích là chỗ "nghỉ hè"cho linh hồn sau những nỗi đau khổ ở cõi trần, nó chỉ đạt tới hay vào được, khi con người có những rung động tương ứng. Tức những rung động đối chọi với sự vui vẻ, sung sướng làm con người không bước vào chỗ ấy; thành ra với em nhỏ, lúc ban đầu ba mẹ không thể đến với em dễ dàng như các anh chị em trong nhà, vì lòng sầu khổ khiến họ không hòa nhịp được với hoan lạc, và tình cảm ấy ngăn chặn làm ba mẹ ít có dịp thăm em; ngược lại, các anh chị em có lẽ vì còn trẻ ít thành kiến nên có thể đến chơi với em thường. Một câu chuyện nói rõ thêm phản ứng bất lợi của sự khóc lóc, vật vã đối với người qua đời như sau: từ lúc mất con bà mẹ không ngừng cảm thấy đau đớn, nỗi bi ai khiến bà khóc mãi, trong giấc mơ bà gặp con về, đi lom khom như mang một gánh nặng trên lưng. Hỏi tại sao, cậu bé trả lời:
- Má à, tại má hết. Nước mắt má tuôn con phải vác trên lưng, má khóc nhiều chừng nào, con bị nặng lưng chừng đó. Má phải bớt khóc con mới đi thẳng người lên được.

Chuyện có thật hay không điều ấy không quan hệ, việc cần là chúng ta rút từ đó một bài học để phản ứng thích hợp khi người thân ra đi. Sự đau khổ do phân ly gây ra là có thật, nhưng nghĩ cho cùng, ta đau đớn vì bị mất người thân, còn chính người ấy đang bước vào cảnh sống đẹp đẽ như ước mơ. Hẳn bạn ủ rũ vài ngày khi thân quyến đi nghỉ mát xa, nhưng tình trạng kéo dài không lâu khi bạn nhận được bưu thiếp, cho hay người thân rất sung sướng với nơi đang ở. Áp dụng điều ấy vào cái chết, một điều chúng ta giúp rất nhiều cho người qua đời là cầu nguyện, gửi những tư tưởng an vui giúp cho việc chuyển tiếp giữa hai cảnh sống được dễ dàng.

Bây giờ, câu hỏi chót đặt ra là với người mẹ qua đời khi con còn nhỏ, với người chồng tử nạn trong vợ con trông cậy vào mình, họ có yên lòng với cuộc sống mới chăng. Sự việc có hai phần, khi qua đời bộ óc xác thịt mất đi, con người nhìn sự sống rõ ràng hơn (mà không thông minh hơn, tương tự như khi bạn nhìn đường phố qua cửa xe bị nước mưa làm nhòe, nhưng lúc mở cửa bước ra cảnh tượng hóa rõ hơn; cần nhấn mạnh để sửa chữa quan niệm là khi chết người thiếu hiểu biết có thể trở nên hiểu biết và được tôn xưng là thánh là thần) thấy được nguyên nhân và hậu quả phần nào, do đó có một thái độ hợp lý với gia đình còn ở lại.
Ngoài ra thiên đàng là sự thể hiện của ước mơ thánh thiện, người mẹ thương con, người chồng thương vợ gặp lại đối tượng của mình nơi đó và như vậy được hạnh phúc. Cái họ gặp là hình tư tưởng, là ảo tưởng vì đối tượng vẫn còn ở thế gian, sinh ra do lòng yêu thương nồng nàn. Chân nhân của đối tượng cảm nhận tình yêu đó nên dùng năng lực riêng linh động hóa hình tư tưởng, khiến nó giống như người dưới trần. Kết quả chung là sự thương yêu tuôn tràn kết chặt hai linh hồn với nhau, và bản tính người đã khuất hóa đẹp đẽ hơn do thương yêu, điều mà họ sẽ mang theo sang kiếp mới.

Người trung bình sẽ chìm đắm trong ảo tưởng đó cho tới lúc tái sinh, với người hiểu biết hơn họ không bước vào một giấc mơ hoa như thế, mà tiếp tục phụng sự ở cõi bên kia như trường hợp II và III.

2. Nhận xét thứ hai là trong đa số trường hợp, ai qua đời cũng được chào đón, hướng dẫn giúp cho họ làm quen với đời sống mới. Trường hợp II tả rõ điều ấy, thường thường người trong gia đình hay bạn bè đón nhau khi ngày giờ tới, bằng không trong Phật Giáo có quan niệm Đức Địa Tạng Bồ Tát tiếp dẫn người qua đời, hay Thiên Chúa Giáo nói tới Thiên Thần chết cũng làm nhiệm vụ trên. Hình tư tưởng của những đấng cao cả được người phụng sự linh họạt, khiến ai qua đời gặp lại đấng họ tôn thờ và do đó bớt xao xuyến , lạ lùng với cảnh mới. Vai trò của người phụng sự rất hữu ích nơi đây, họ có thể còn sống hay đã khuất nhưng họp nhau thành toán, phân chia công tác và đến nơi sắp có thảm trạng (máy bay rớt, tàu chìm, bom nổ) để cố gắng giảm bớt sự kinh hoàng nạn nhân trải qua, và giúp người tử nạn ý thức tình trạng của mình.

3. Điều chót khi nghiên cứu ba trường hợp trên, là cảnh sống bên kia tùy thuộc vào đời sống bên này, vì sự sống là sự liên tục của tâm thức, tâm thức con người ở cõi trần ra sao sẽ tiếp tục y thế khi qua đời.
Như vậy:

– Đời sống bên kia sẽ vô vị và nhàm chán, khi lúc sống con người không phát triển về mặt tinh thần. Nếu quá chú tâm vào vật chất, khi qua đời nhu cầu vật chất không còn nữa, đời sống người bạn sẽ trở nên rất nghèo nàn, trống rỗng tâm linh, sự sống không bị kích thích hoặc bởi óc hiếu tri, hoặc bởi tình thương và do đó hóa buồn tẻ. Sự mở mang tinh thần không hàm ý về trí tuệ mà thôi, nó có ý nói con người thật và từ ái là một đặc điểm. Vì vậy người giàu tình thương có hình dạng biểu lộ hết sức rực rỡ ở cuộc đời bên kia; vẻ chói sáng, màu sắc đẹp đẽ của hào quang người ấy thường làm nhiều người mới qua đời kinh ngạc, khi so sánh với chính mình. Câu trả lời rất giản dị, nét mỹ lệ đó con người tự taọ cho mình nơi cõi trần, nó có thể bị che lấp bởi quần áo tầm thường hay một xác thân không có gì đặc sắc, khi chết quần áo và xác thân chẳng còn, con người thật lộ nguyên nét.

– Do đó muốn có một sự sống hữu ích sau khi qua đời, chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, bằng cách sống một đời sống phong phú về mặt tâm linh, hào hứng về mặt trí tuệ. Trường hợp II và III cho thấy hoạt động tiếp tục trong điều kiện tuyệt hảo ở bên kia, còn với ai có khuynh hướng thiên về xã hội họ sẽ có nhiều cơ hội để phụng sự theo ý mình.

Tóm tắt lại, ta làm chủ đời mình lúc còn sống cũng như khi qua đời, và hiểu biết ấy giúp ta xếp đặt lối sống của mình để không phút giây nào bỏ phí, cũng như để dọn sẵn cho một cụộc đời hữu ích, thú vị sau khi chết. Đó không phải là thưởng phạt của một thần thánh nào mà hoàn toàn nằm trong tay mọi người. Thiết nghĩ sự chọn lựa khá dễ dàng.

Sách tham khảo: The Science of Seership (G. Hodson)